- 22/2/2020
- Admin
- Mục: Tin tức
Công bố vắc xin phòng bệnh LMLM type O và chuyển giao giống vi rus LMLM type A để sản xuất vắc xin
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ngày 17/11/2018, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng (LMLM) có tên AVAC-V6 FMD Emulsion type O ra thị trường; cùng với đó, chuyển giao giống virus lở mồm long móng type A để sản xuất vắc xin giữa Chi cục Thú y vùng VI với các doanh nghiệp.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành đã công bố Quyết định của Bộ NN&PTNT về việc cấp phép lưu hành thuốc thú y đối với vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O của công ty AVAC, đơn vị trực thuộc công ty Cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (RTD).
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trao Quyết định công nhận giống vi rút lở mồm long móng type A “RAHO6/FMD/A-379” cho ông Bạch Đức Lữu – Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vắc xin.
Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y trao chứng nhận cấp phép lưu hành vắc xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O cho ông Vũ Tiến Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty RTD
Lần đầu nghiên cứu và làm chủ công nghệ vắc xin
Theo Cục Thú y, LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia súc. Bệnh LMLM cũng là căn bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc.
Hiện nay, thế giới có 7 type virus LMLM đang lưu hành và có khoảng 76 type phụ. Để phòng bệnh, sử dụng vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, bệnh LMLM xuất hiện cách đây 100 năm và hiện đã có 3 type virus lưu hành là type O, A và Asia1.
Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch LMLM, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống dịch bệnh LMLM gồm 3 giai đoạn (2006-2010; 2011-2015 và 2016-2020).
Tuy nhiên, do không sản xuất được vắc xin phòng bệnh trong nước nên Việt Nam phải NK 100%, dẫn đến hiệu quả phòng chống bệnh thấp, trong đó đặc biệt là nguyên nhân không tương đồng của virus vắc xin và virus thực địa, nhất là trong bối cảnh virus LMLM thực địa thường xuyên biến đổi.
Với chiến lược kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch LMLM, năm 2016, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về sản xuất vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó năm 2017, Đề án thí điểm sản xuất vacxin thương mại sử dụng các chủng virus LMLM lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ triển khai. Theo đó, Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) được giao nhiệm vụ xây dựng nguồn giống virus LMLM để chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất vacxin với quy mô công nghiệp.
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI cho biết, từ năm 1997, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, nghiên cứu chọn giống virus LMLM để SX vacxin.
Đến nay, kế hoạch đã được thực hiện trên 20 năm, trải qua nhiều thế hệ. Theo đó, đơn vị đã tổ chức thu thập, lưu giữ và bảo quản virus LMLM một cách hệ thống trong thời gian dài hàng chục năm với nhiều công đoạn như thu thập bệnh phẩm virus từ thực địa, xét nghiệm để xác định bệnh, đánh giá các đặc tính sinh học như tính độc lực, tính kháng nguyên, tính di truyền virus.
Kết quả, từ hàng nghìn mẫu virus được thu thập, đơn vị đã tuyển chọn được 154 mẫu virus LMLM type O, trên cơ sở đó đã chọn được giống virus type O LMLM RAH06/FMD/O-135 dùng để SX vacxin LMLM AVAC-V6FMD Emulsion đã được phép lưu hành.
Tương tự như quá trình nghiên cứu, chọn lọc, đánh giá, công nhận giống virus LMLM type O “RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia”, đồng thời thực hiện các quyết định và chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2014 đến nay, Chi cục đã nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc giống virus LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” theo chuẩn Việt Nam và khuyến cáo OIE.
“Ngày 25/10/2018, Bộ NN-PTNT đã có quyết định về việc công nhận giống virus LMLM RAHO6/FMD/A-379 dòng ASIA/Sea-97 của Chi cục dùng để SX vắc xin. Giống virus này hiện nay có đủ số lượng, chất lượng để nuôi cấy, phát triển nhân lên để SX hàng chục triệu liều, đáp ứng đủ nhu cầu vacxin phòng bệnh LMLM tại Việt Nam từ năm 2018 trở đi.
Trải qua nhiều năm nghiên cứu, đến nay Chi cục đã nghiên cứu, chọn lọc được virus LMLM type O và type A để SX vacxin LMLM theo khuyến cáo của tổ chức Thú y thế giới OIE và theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nghĩa là, trong thời gian tới chúng ta có đủ con giống để SX vắc xin LMLM đơn giá type O và type A và vacxin LMLM nhị giá (O và A)…”, ông Lữu chia sẻ.
Quyết tâm của doanh nghiệp
Ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty RTD cho biết, trong quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp, công ty đã giao sứ mệnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin và chế phẩm sinh học giao cho Công ty MTV AVAC Việt Nam trên nền tảng Nhà máy vắc xin của Công ty CP phát triển công nghệ nông thôn RTD.
Công ty AVAC đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vắc xin Phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, trong đó có một số loại vắc xin chủ lực như: tai xanh, PCV II, dịch tả vịt, viêm gan vịt, Newcatsle… và một số vắc xin đa dạng khác. Các chế phẩm sinh học như kháng thể Gumboro, Newcatsle… cũng được công ty nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm vắc xin và chế phẩm sinh học đươc Công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường được người chăn nuôi đón nhận và đánh giá cao về chất lượng giải pháp kỹ thuật.
Ông Cao Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Avac (Công ty con của Công ty RTD) trình bày về quá trình sản xuất vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng
Trong các loại vắc xin phòng bệnh vật nuôi, vắc xin LMLM chiếm tỷ trọng cao nhất. Tổng đàn gia súc của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, để đảm bảo công tác tiêm phòng đạt trên 80% – với vắc xin LMLM chúng ta cần khoảng 70-75 triệu liều vắc xin/năm. Trên thực tế, theo số liệu AVAC thu thập được hàng năm chúng ta mới dùng trung bình trong 5 năm trở lại đây 25 triệu liều/năm. Như vậy có thể nói tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Vắc xin LMLM do AVAC sản xuất và cung ứng ra thị trường kỳ vọng sẽ góp phần nâng tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng cao hơn.
Việc hoạch định và lập kế hoạch triển khai được Công ty tổ chức và quán triệt nhất quán, đảm bảo các nội dung công việc được triển khai đồng bộ và có kiểm soát. Quá trình nghiên cứu- sản xuất vắc xin LMLM được Ban lãnh đạo Công ty triển khai bài bản – theo từng bước đảm bảo đúng trình tự, phù hợp với các quy định hiện hành trong lĩnh vực thú y.
Công ty đã cân đối nguồn lực và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất – dây chuyền thiết bị đồng bộ và đã được Cục Thú y đánh giá cấp chứng nhận GMP cho dây chuyền sản xuất vắc xin LMLM. Sản phẩm được Bộ y tế cấp chứng nhận an toàn sinh học cấp III – đây là phóng ATSH cấp III đầu tiên trong lĩnh vực Thú y được Bộ Y tế cấp.
Song song với việc bổ sung trang thiết bị đầu tư con người đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học – công nghệ cao và công nghệ thông tin để tao ra các sản phẩm khác biệt.
Bắt đầu bằng chữ A đó là: Chất lượng hạng A, Con người hạng A và Hệ thống hạng A, tạp nên sản phẩm và dịch vụ hạng A – Khác biệt hóa để thành công..Khác biệt hóa để có thể cạnh tranh được trên thị trường – sản phẩm có tính năng vượt trội là chìa khóa để thành công và có chỗ đứng trên thị trường đó là được chọn lọc, chủ động và kinh tế.
“Công ty AVAC đã đi qua được một chặng đường. Ngoái đầu lại, đoạn đường đi đã qua thật nhiều ổ gà/ổ voi – nhiều rào cản và vướng mắc. Nhưng chúng tôi đã nỗ lực vượt qua và minh chứng là thành quả hôm nay. Có được thành quả hôm nay, trước hết công ty RTD đã có những bước nghiên cứu thăm dò – được Bộ KHCN tạo điều kiện ban đầu cho công tác nghiên cứu Công nghệ sản xuất vắc xin LMLM thông qua chương trình sản phẩm quốc gia theo Quyết định 2441 của Thủ tướng Chính phủ. Có được kết quả đó chúng tôi tự tin và dấn thân vào nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ”, ông Cao Văn Hùng nhấn mạnh.
Nền tảng để tự chủ sản xuất vắc xin
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, gần 30 năm qua, chăn nuôi nước ta có bước tiến vượt bậc. Việc SX thành công vacxin LMLM là tín hiệu mừng cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành Thú y. LMLM là bệnh quan trọng nhất cho lợn và các loại gia súc, bởi đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, việc Việt Nam lần đầu sản xuất được chủng vắc-xin LMLM type O có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đồng thời biểu dương Chi cục Thú y vùng VI trong việc nghiên cứu đưa ra những sản phẩm vắc-xin mới liên quan đến bệnh LMLM, để từ nền tảng này, Việt Nam có thể tự chủ về vắc-xin, qua đó tiếp tục nghiên cứu, chọn lựa, phân lập các chủng vi-rút khác trên gia súc, gia cầm để phục vụ việc sản xuất vắc-xin phòng, chống dịch bệnh trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Thú y phối hợp Bộ NN và PTNT xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; cùng với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai loại vắc-xin LMLM một cách bài bản và hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành để khi sử dụng sản phẩm trong sản xuất chăn nuôi sẽ thuận tiện nhất…; góp phần thúc đẩy sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam giành được thị trường xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học công nghệ Quốc hội chúc mừng Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, các nhà khoa học, công ty AVAC đã sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng tại Việt nam. Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, việc Việt Nam sản xuất vắc xin Lở mồm long móng là một quá trình phấn đấu lâu dài, kiên trì có công mài sắt có ngày lên kim của cơ quan liên quan, doanh nghiệp liên quan…Và đây cũng là điều rất đáng tự hào và nó sẽ là điểm tựa để ngành Nông nghiệp tiếp tục đi lên, tiến bộ hơn nữa.
Tại lễ công bố, đã diễn ra lễ ký văn bản chuyển giao giống virus LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” để SX thương mại giữa Chi cục Thú y vùng VI với Cty CP và Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD); Cty Thuốc thú y Đức Hạnh Maphavet và Cty CP Thuốc thú y TƯ (Navetco).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp được chuyển giao giống virus LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” để sản xuất thương mại
Theo: http://nhachannuoi.vn
Nội dung cùng chủ đề
Admin 22/2/2020 1427
Việc nghiên cứu, sản xuất ra vắc xin phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và lở mồm long móng trong tương lai sẽ giúp người...
Admin 22/2/2020 1482
(20/03/2019) – VIV Asia 2019 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ 13-15/03/2019 với sự tham gia của 1.250 gian hàng triển...